Mong một tương lai an bình
Thứ sáu - 14/03/2014 08:51
Đúng vào ngày sinh bé Bích 13/9, đại diện Báo CAND & Chuyên đề ANTG đến Bệnh viện Việt Đức thăm và tặng quà cho cháu bé may mắn sống sót trong vụ cướp kinh hoàng ngày 24/8 ở khu vực chợ Sàn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang. Vợ chồng ông Lâm Tấn Lợi, chủ doanh nghiệp Võng xếp Duy Lợi đã trao số tiền 30 triệu đồng cho đại diện gia đình cháu bé, động viên cháu vượt qua nỗi đau.
Sinh nhật cảm động
Thật trùng hợp, đoàn công tác xã hội từ thiện (XHTT) do Đại tá Lưu Vinh, Phó Tổng biên tập cùng vợ chồng ông Lâm Tấn Lợi, chủ doanh nghiệp Võng xếp Duy Lợi đến thăm và trao quà cho cháu Trịnh Thị Bích đúng ngày sinh cháu. Ông nội cháu cho biết, Bích bảo rằng: "Hôm nay là ngày cháu thích nhất". Vì là ngày đặc biệt nên cháu được ông, các bác, các anh chị tặng nhiều quà, nào là gấu bông, búp bê, sách truyện và còn có rất nhiều bánh kẹo, nước ngọt nữa.
Bích còn muốn được mua một cái bánh ga tô thật to. Phải "thật to" vì cháu muốn mời các bác sỹ, các cô y tá, điều dưỡng đến dự sinh nhật mình. Để chuẩn bị cho ngày đặc biệt của cháu, ông và các bác trang trí căn phòng ở bệnh viện của cháu thật đẹp, ngăn nắp. Bích mặc váy màu hồng tươi cười trong vòng tay của người thân càng làm nổi bật vẻ hồn nhiên, đáng yêu của cô bé tròn tám tuổi.
Nhanh nhảu, lễ phép và rất đáng yêu là cảm nhận của chúng tôi khi gặp cô bé Trịnh Thị Bích. Nổi bật trên khuôn mặt bầu bĩnh là vầng trán cao, đôi mắt sáng. Cháu nhớ tên hầu hết các bác sỹ, y tá thường xuyên chăm sóc mình. Chị Kiên, chị ruột mẹ cháu Bích cho biết, cháu rất ham đọc sách.
Cháu đọc một lèo hết cả cuốn truyện tranh. Nhìn những chồng sách để trên kệ đủ biết, cô bé 8 tuổi này nghiền đọc truyện như thế nào. Không chỉ thích đọc sách, cô bé còn có khả năng viết chữ đẹp. Năm học lớp 2, cháu từng đạt giải nhì cuộc thi viết chữ đẹp tỉnh Bắc Giang. "Cháu viết đẹp như chữ in ấy", chị Kiên cho chúng tôi biết.
Khi tôi hỏi, "ở lớp cháu có làm lớp trưởng không?", cô bé cười và bảo, "cháu làm lớp phó học tập". Vốn là một học sinh chăm ngoan, có học lực khá nên Bích mới được cô giáo và các bạn tín nhiệm bầu làm lớp phó học tập. Không chỉ chăm học, ở nhà Bích còn giúp bố mẹ chăm em. Bích biết bế em, biết nựng và chơi đùa với em nữa. Cô bé chưa biết việc không hay xảy ra với gia đình mình. Bích vẫn đinh ninh rằng, rồi đây cô bé sẽ được đoàn tụ với gia đình...
Ông Tín, ông nội Bích cho chúng tôi biết, bố mẹ cháu đều là con út và là thứ 9 trong gia đình. Trong thời gian đi lao động ở Hàn Quốc, anh Ngọc, chị Chín sinh cháu Bích. Cháu được hơn 1 tuổi thì anh chị đưa về quê cho ông bà ngoại nuôi. Đến năm Bích 6 tuổi, bố mẹ cháu mới về nước.
Lúc đó, cháu mới được sống cùng bố mẹ. Khi nhắc đến việc này, mắt ông nội Bích rưng rưng. Năm nay, ông đã ở tuổi 79. Người già như lá vàng trên cây nên ông rất lo cho cháu Bích. Ông lo cháu bị ảnh hưởng tâm lý, lo tương lai của cháu sau này... Nói rồi, ông lại bảo: "Bác Kiên (chị gái mẹ cháu Bích) bảo sẽ nuôi dưỡng cháu đến lúc trưởng thành. Tài sản của bố mẹ cháu để lại sẽ chuyển cho cháu khi cháu đủ lớn khôn".
Bích cũng rất bám bác Kiên, có những đêm bác Kiên không ngủ cùng, cháu thút thít khóc. Trong những người bác bên mẹ, Bích cũng rất gắn bó với người bác trai tên Thanh. Hồi nhỏ, Bích ở cùng ông bà ngoại và gia đình bác Thanh. Ông ngoại mất, cô bé lại bám người bác trai này. "Cả gia đình đều đang tập trung chăm lo cho cháu nó", ông Tín nói.
Nói về vợ chồng người con trai quá cố của mình, ông Tín ngậm ngùi cho biết, anh Ngọc, chị Chín là người rất chăm chỉ. Khi lao động bên Hàn Quốc, vợ chồng anh được ông chủ rất quý. Khi về nước, anh chị bàn tính việc làm ăn. Trước khi mở cửa hàng vàng bạc, anh chị đã học hỏi kinh nghiệm ở gia đình người bố nuôi. Bản thân anh chị còn xuống Hà Nội học nghề kim hoàn mấy tháng.
Khi xây dựng ngôi nhà và mở cửa hàng vàng bạc, anh Ngọc còn lắp đặt hệ thống camera và một số thiết bị an ninh khác. "Không thể lường trước hết được...", ông Tín ngậm ngùi. Bích là cô bé ham học, cháu để ý những việc bố làm hàng ngày và nhớ rất tốt. Chẳng thế mà khi ghi lại số tiền mà những người họ hàng, người yêu quý đến bệnh viện thăm cho, cháu dặn các bác ghi lại: "Bố cháu bảo phải viết bằng chữ, vì nếu viết bằng con số dễ bị tẩy xóa". Cô bé còn bảo sẽ để dành số tiền mọi người cho để tiết kiệm.
Sự sống kỳ diệu của cô bé 8 tuổi
"Cháu bé rất thông minh, có trí nhớ tốt", Tiến sỹ Đỗ Mạnh Hùng - người theo sát sự tiến triển về sức khỏe, tâm lý của cháu Bích vào thời gian này nhận xét như vậy. Theo ông, khi cháu bé được đưa vào bệnh viện cấp cứu, điều quan trọng nhất là phải mổ cấp cứu nối bàn tay phải bằng kỹ thuật vi phẫu. Ngoài ra, các bác sỹ cũng phải xử lý vết thương ở cẳng tay trái và cố định phần xương trụ tay trái bị gãy. Ca phẫu thuật thành công mỹ mãn, khẳng định kỹ thuật y khoa tuyệt vời của các bác sỹ phẫu thuật Bệnh viện Việt Đức.
Việc điều trị hậu phẫu cho bé Bích được thực hiện rất tích cực. Hiện nay cháu vẫn phải đeo băng cố định tay phải ở đoạn nối hai phần đứt rời và tay trái ở đoạn gãy bán phần xương trụ. Vận động bàn tay phải đang phục hồi rất khả quan. Về cơ bản cháu không phải điều trị nhiều nữa, hàng ngày chỉ dùng kháng sinh nhẹ và thuốc chống phù nề. Công việc quan trọng lúc này là hàng ngày các bác sỹ tập lý liệu pháp cho bàn tay phải của cháu. Thời gian tập từ 1-2 tiếng/ngày vào các buổi chiều.
Nói về khả năng phục hồi toàn diện của cháu Bích, Tiến sỹ Đỗ Mạnh Hùng vẫn không giấu khỏi lo lắng: "Công việc điều trị cho cánh tay bị nối và các vết thương khác đã phục hồi rất tốt. Trước đây cháu rất khó ngủ vào buổi tối, đêm ngủ còn mê sảng. Khoảng 5, 6 đêm nay cháu đã bắt đầu ngủ ngon, không còn mê sảng nữa. Điều lo ngại sau này là tâm lý của cháu sau khi xuất viện".
Cách đây mấy ngày cháu có hỏi về bố mẹ. Gia đình vẫn giấu sự thật về vụ việc, nói rằng bố mẹ đi Hàn Quốc chữa bệnh. Cháu tin vì trước đây bố mẹ cũng đi Hàn Quốc. Có lẽ do quá nhớ bố mẹ mà cháu đề nghị: "Cho con đi Hàn Quốc chữa bệnh cùng bố mẹ". Lời đề nghị hồn nhiên của đứa trẻ khiến các bác sỹ, y tá và người thân ngỡ ngàng, đau xót.
Tiến sỹ Hùng cho biết, các mạch máu ở cánh tay bị nối đã nuôi dưỡng tốt. Khó nhất là thần kinh, khi đã bị đứt hết dây thần kinh thì việc phục hồi lại rất khó khăn. Để thần kinh phục hồi hoàn toàn thì phải tập lý liệu pháp, thời gian điều trị có thể kéo dài tới cả tháng.
Nói về sức sống mãnh liệt của cô bé khi cánh tay bị đứt lìa mà không mất nhiều máu, Tiến sỹ Hùng cho rằng, trước đây có một số thông tin nhận định chưa hoàn toàn chính xác. Theo ông, khi người lớn, đặc biệt là trẻ con bị tổn thương đột ngột, theo phản xạ sinh tồn của cơ thể, thành phần của mỏm cụt co lại từ cơ, mạch máu, thần kinh nên máu ra ít và có thể tạm thời ngừng lại. Đây là lý do giúp cháu Bích qua được cơn hiểm nghèo.
Vết thương trên thân thể rồi cũng liền da, nhưng vết thương lòng thì rất khó phai mờ. Hiện nay, người thân, các bác sỹ, chuyên gia tâm lý đang nỗ lực làm những điều tốt nhất cho cô bé 8 tuổi có sức sống mãnh liệt này. Tất cả đều mong muốn cháu sẽ trưởng thành, có cuộc sống bình yên. Chúng tôi tin rằng, những ai quan tâm đến vụ trọng án xảy ra tại cửa hàng vàng Ngọc Bích cũng đều có chung ước vọng này.
Theo cand.com.vn
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét